Theo báo cáo Hiệp hội Sơn – Mực in Việt Nam, thị trường Việt Nam có khoảng hơn 600 doanh nghiệp ngành sơn. Trong đó các công ty sơn nội địa chỉ chiếm 35% thị phần. Vậy cơ hội nào cho ngành sơn nội địa và xuất khẩu?
Thị trường rộng mở
Mặc dù sơn nội chỉ chiếm 35% thị phần nhưng lại có mức tăng trưởng khả quan. Chỉ số tăng trưởng luôn duy trì ở mức hai con số trong 5 năm gần đây. Theo các chuyên gia, sơn nội đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường khi tung ra hàng hoạt các sản phẩm ưu việt với mức giá cạnh tranh hơn so với các thương hiệu ngoại. Đây cũng là cơ sở vững chắc tạo nên các cơ hội lớn cho ngành sơn trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện tại ngành sơn vẫn chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành còn thiếu. Trong thời gian tới, để củng cố vị trí trên thị trường, các công ty sơn cần phải xây dựng đồng bộ từ nguyên liệu tới các tiêu chuẩn sản xuất, giải quyết được bài toán nhân lực.
Đặc biệt các doanh nghiệp cần phải có cái nhìn dài hạn với sự tập trung vào các chiến lược về giá, chính sách hậu mãi và chiến lược thương hiệu để thu hút khách hàng. Theo đà phát triển hiện nay các đơn vị xuất khẩu sơn hoàn toàn có cơ hội để chuyển mình, nâng cao vị thế thương hiệu Việt.
Nhân lực và công nghệ là yếu tố cốt lõi để cạnh tranh
Các yêu cầu về ngành sơn – hóa chất ngày càng khắt khe. Theo Quy hoạch phát triển ngành tầm nhìn đến năm 2030, ngành sẽ từng bước thay thế công nghệ, thiết bị lạc hậu bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến, hạn chế tối đa việc sử dụng nguyên liệu, hóa chất độc hại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường và giá thành hợp lý.
Điều này đã khẳng định, đơn vị nào đẩy mạnh đầu tư công nghệ và tay nghề nhân lực sẽ nắm được lợi thế cạnh tranh.
Lợi thế cạnh tranh tích cực
Hiện tại xuất khẩu hàng hóa, trong đó có xuất khẩu sơn của nước ta nhận được nhiều chính sách khuyến khích tích cực. Hiệp định FTA cũng giúp cho các thành viên được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan. Đồng thời tỉ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu cũng tăng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và tạo ra các giá trị lớn hơn cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, những quy định về kỹ thuật sản xuất sơn cũng sẽ thúc đẩy các cải tiến, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Từ đó thúc đẩy sự phát triển ngành sơn, trong đó có sơn xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.